NHỮNG KIẾN THỨC CĂN BẢN CỦA KHOA HỌC LÀM GIÀU


Cuộc hành trình hàng ngàn dặm bắt đầu bằng một bước chân đơn giản.
Để học làm giàu, hãy bắt đầu bằng việc thay đổi tư duy…

Khoa học làm giàu là một hệ thống kiến thức mang tính bao trùm. Thông thường chúng ta mới chỉ trang bị được cho mình một lát cắt nhỏ kiến thức trong đó. Ví dụ, chúng ta có thể rất giỏi một nghề nghiệp chuyên môn nào đó, có thể kiếm được rất nhiều tiền bằng chính nghề nghiệp đó nhưng lại không biết quản lý đồng tiền, không có các kiến thức về tài chính, đầu tư nên không giúp tiền đẻ ra tiền. Hoặc rất nhiều người vội vàng xây dựng doanh nghiệp khi còn thiếu quá nhiều kiến thức và kỹ năng nền tảng nên thường mắc sai lầm và tự đánh mất rất nhiều cơ hội.

Học kiến thức làm giàu cũng giống như quá trình gieo hạt và chăm bón. Bạn không thể một lúc có ngay tất cả các loại kiến thức làm giàu mà phải vừa học vừa ứng dụng để trải nghiệm thực tế những điều học được. Và quan trọng hơn là bạn phải biết cách chăm sóc thật tốt cho “gốc rễ” của khoa học làm giàu. Giống như đối với môn Toán, bạn phải bắt đầu từ những điều cơ bản nhất là cộng, trừ, nhân, chia, trước khi đến với những khái niệm phức tạp hơn như đạo hàm, tích phân,… 

Hay như đối với môn Văn, bạn không nhất thiết phải là người “thông kim bác cổ” mọi thể loại, mọi tác phẩm văn học trên đời, mà chỉ cần nuôi dưỡng một tâm hồn đẹp, một khả năng cảm thụ văn học tốt, để có thể nhận ra, rung cảm và đồng điệu trước cái hay, cái đẹp của văn thơ.

“Gốc rễ” của mọi sự giàu có, hay nói một cách khác là “xuất phát điểm” của những người giàu trên thế giới này chính là nhân sinh quan làm giàu. Trước tiên bạn phải hiểu đúng về sự Giàu có bởi nếu chưa hiểu đúng về khái niệm này, chúng ta sẽ không thể xác định được mình thực sự có muốn làm giàu hay không. 

Giàu có là sự cân bằng giữa tinh thần và vật chất, tổng hòa của cảm xúc, kiến thức và năng lực tài chính. Một người giàu đúng nghĩa phải cảm thấy sự dư thừa về tài chính và sẵn sàng chia sẻ tài sản của mình cho người khác; phải có kiến thức về tài chính để giữ và làm cho mình giàu hơn nữa và phải có năng lực thực sự về tài chính. Người đời thường đánh đồng giàu với một yếu tố duy nhất đó là yếu tố thứ ba.  

Thứ hai, phải học được cách tư duy của người giàu, hiểu tâm lý người giàu và rèn luyện để có được cách tư duy như người giàu. Thứ ba là các kiến thức về tài chính (cách thức tạo thu nhập, quản lý tiền bạc, đầu tư…). Thứ tư là các kỹ năng xã hội như giao tiếp, thuyết trình, đàm phán, thuyết phục, kỹ năng gây ảnh hưởng, quản lý, lãnh đạo,… Thứ năm là các kiến thức về kinh tế và luật pháp. Tiếp đến là học cách kinh doanh và xây dựng doanh nghiệp.

Tại mỗi thời điểm trong cuộc đời, tương ứng với trình độ hiểu biết nhất định về các kiến thức làm giàu nền tảng này, mỗi người sẽ tự tìm cho mình con đường phù hợp để tiến tới đích Giàu có. Robert T. Kiyosaki, tác giả “Dạy con làm giàu” - một trong những bộ sách kinh điển nhất nhất về nghệ thuật làm giàu đã đưa ra mô hình Kim tứ đồ, mô tả 4 nhóm người, 4 cách thức khác nhau để tạo ra tiền bạc trong xã hội:

  • Làm công ăn lương: nhà quản lý, người làm chuyên môn, lao động phổ thông,…
  • Tự làm chủ: tiểu thương, chủ doanh nghiệp nhỏ
  • Chủ doanh nghiệp: tự xây dựng hệ thống, mua hệ thống có sẵn (franchise), kinh doanh theo mạng (network marketing)
  • Nhà đầu tư (chia thành 7 cấp bậc đầu tư) với các hình thức đầu tư chủ yếu như: gửi tiết kiệm; đầu tư cổ phiếu/trái phiếu; đầu tư kim loại quý (vàng, bạc); đầu tư ngoại tệ; đầu tư bất động sản.
Sự phân chia các nhóm này chỉ mang tính tương đối, một người hoàn toàn có thể chuyển từ nhóm Làm công ăn lương sang nhóm Tự làm chủ, nhóm Chủ doanh nghiệp hoặc Nhà đầu tư. 

Khởi đầu bằng việc làm công ăn lương sẽ giúp bạn tạo dựng nguồn tài chính ban đầu, nâng cao năng lực chuyên môn và xây dựng mối quan hệ,… Và chỉ khi nào tích lũy được một lượng kiến thức nhất định về tài chính, đầu tư, quản lý doanh nghiệp, bạn mới nên tách ra làm riêng (tự làm chủ) hoặc mở doanh nghiệp.

Con đường làm giàu đúng đắn nhất và ít phải trả giá nhất chính là con đường vừa học, vừa làm. Học từ sự thành công, thất bại của người khác, học những mô hình làm giàu, những công thức thành công đã được kiểm chứng, học kiến thức để ứng dụng vào thực tiễn. Còn Làm chính là hành động để tự trải nghiệm, tự đúc rút ra những bài học cho riêng mình. 

Nếu chỉ Học mà không Làm (Hành động), bạn sẽ không bao giờ tiến lên được, dù chỉ một bước trên hành trình làm giàu. Song nếu chỉ đâm đầu Làm mà không Học, bạn sẽ phải tốn thời gian, công sức hơn rất nhiều, thậm chí phải trả giá rất đắt trước khi đến được với đích giàu có. 

Công thức của những người thành công chính là “Nghĩ lớn và khởi sự từ việc nhỏ”. Để có được một tư duy lớn, một tầm nhìn rộng thì con đường duy nhất chính là học hỏi không ngừng....


(Hoclamgiau.vn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét