NHỮNG CÂU CHUYỆN KINH DOANH HAY



Đây là những câu chuyện hay các bạn nên đọc qua để tìm hiểu thêm trong lĩnh vực kinh doanh.

Câu chuyện 1: Ăn khế trả vàng


Một xưởng làm cửa cuốn ở tỉnh Hồ Nam, thuộc loại doanh nghiệp nhỏ, đã dùng một sách lược quảng cáo độc đáo như sau: Dùng một phương thức nào đó đánh động một cơ quan có đủ khả năng gây ảnh hưởng tới sản phẩm của mình, khiến họ ưu ái sản phẩm của mình. Song làm sao để giành được lòng tin của họ đây?


Chỉ một thông tin mà người khác xem ra rất bình thường đã mang lại một linh cảm cho người xưởng trưởng. Tháng 8 năm 1987, một Viện thiết kế xây dựng của một thành phố nọ được bình chọn là Viện loại A. Ông chủ xưởng cửa cuốn thấy đây là một cơ hội tốt để tạo tình cảm tốt nên đã lập tức tới tờ báo X. thuê đăng một đoạn quảng cáo, nội dung chúc mừng Viện nọ. Rồi ông còn tới cả đài phát thanh để thuê quảng cáo thông tin này.

 Những thông tin liên tục đó đã làm cho Viện thiết kế kia chú ý tới, và thế là họ đã chủ động tới xưởng, hỏi han tình hình có liên quan, rồi tiến hành điều tra chất lượng loại cửa cuốn của xưởng. Sau khi thấy chất lượng cửa rất đáng tin cậy, Viện trưởng Viện thiết kế đã quyết định: Từ nay về sau, tất cả các công trình do Viện thiết kế mà cần tới cửa cuốn, đều sẽ đặt hàng ở xưởng này.

Xưởng cửa cuốn đã khéo léo lợi dụng Viện thiết kế xây dựng để quảng cáo cho mình. Tiếng tăm của xưởng vang xa, lượng người dùng cũng tăng lên nhiều.

Nghèo không đáng sợ, nghèo cần phải suy nghĩ để thay đổi. Nhỏ cũng không đáng sợ, nhỏ có thể biến thành to. Mấu chốt là phải tìm được đường đi.

Câu chuyện 2: Bán danh sách khách hàng của “Kéo cắt lông mũi”

Ngày nay, thương trường như chiến trường, sách lược và thủ đoạn tiêu thụ của nhà kinh doanh thương mại các nơi trên thế giới cũng thiên biến vạn hóa, họ tính toán rất cao tay, khiến người khác không ngờ tới.

Ở Mỹ có một công ty rất nổi tiếng, tên là Cripite, kinh doanh một thứ hàng không đáng kể, nhưng nổi tiếng khắp nước Mỹ và cả nước ngoài.

Cripite chuyên kinh doanh “Kéo cắt lông mũi” chuyển qua bưu điện. Công ty thường quảng cáo trên các tạp chí có ảnh hưởng và lượng phát hành lớn. Trong lời quảng cáo dùng câu đơn giản, rõ ràng, khách hàng chỉ cần viết rõ địa chỉ và trả tiền tương đương với giá bán lẻ ở thị trường, không lâu sau sẽ nhận được chiếc kéo cắt lông mũi xinh xắn.

Quảng cáo như vậy gây sự chú ý và hiếu kỳ của đông đảo độc giả, họ không ngại bỏ ra 3 USD để thử hư thực. Quả nhiên nhanh chóng nhận được chiếc kéo cắt lông mũi của công ty Cripite gởi bưu điện tới. Kéo sắc, dễ sử dụng, không ai không trầm trồ, thương hiệu của công ty càng được lan truyền rộng.

Mọi người sẽ thắc mắc, công ty Cripite buôn bán nhỏ như vậy làm sao có lợi nhuận? Sự thật lợi nhuận của nó không ở kéo cắt lông mũi mà ở con đường do kéo cắt lông mũi mở ra.

Chúng ta đều biết, bất cứ ai cũng có thể dùng kéo bình thường để cắt lông mũi của mình, chẳng mấy ai cần đến kéo cắt lông mũi chuyện dụng. Cho dù có, họ cũng có thể mua được ở bất cứ cửa hàng nào, đâu cần thiết phải mua qua bưu điện thứ hàng nhỏ bé đó.

Công ty Cripite nắm được tâm lý hiếu kỳ của mọi người bằng phương thức mới lạ và dịch vụ tốt, khiến rất nhiều người vốn không cần thiết lắm thứ nhỏ nhặt này lại thích thú muốn thử, như vậy là mục đích của công ty đã đạt được.

Thì ra, công ty Cripite triển khai dịch vụ kiếm tiền bằng cách cho thuê danh sách khách hàng mua kéo cắt lông mũi qua bưu điện. Họ nhập tên tuổi, địa chỉ khách hàng mua qua bưu điện vào máy tính, sau đó bán cho các công ty mua bán hàng qua bưu điện khác, công ty quảng cáo, công ty dịch vụ tư vấn v.v…

 Đồng thời công ty cũng nhận làm dịch vụ tuyên truyền quảng cáo cho các nhà kinh doanh và công ty dịch vụ quảng cáo khác, khi gởi kéo cắt lông mũi của mình thì gởi kèm đồ quảng cáo hàng hóa khác, từ đó có thể thu được một khoản tiền.

Thu lợi qua thủ doạn kinh doanh này của Cripite hết sức khả quan. Kéo cắt lông mũi, do một công ty dụng cụ dao kéo ở New York nhận làm, thông qua bưu điện bán mỗi chiếc 2,99 USD, lợi nhuận chỉ có 6%, tương đương 0,18 USD.

 Nhưng mỗi lần thực hiện thành công một vụ bán qua bưu điện thì danh sách khách hàng sẽ tăng thêm một tên mới. Danh sách này cho thuê hoặc đem bán mỗi tên có thể thu được từ 0,03 đến 0,75 USD, mỗi danh sách có thể bán được nhiều lần. 

Như vậy thu nhập của nó gấp nhiều lần so với số tiền bán kéo kiếm được, cộng thêm thu nhập gởi kèm sản phẩm tuyên truyền quảng cáo khác cho khách hàng thì thu nhập càng lớn.

Kéo cắt lông mũi Cripite đều in mác Cripite. Công ty đặt đại lý bán hàng qua bưu điện ở hàng ngàn địa điểm khắp nước, khiến thương hiệu càng lan rộng. Sự thành công về kinh doanh của Cripite khiến người ta không thể hiểu nổi. 

Theo một bài báo trên tập san Tiền tệ ở Washington thì: Số người mua kéo cắt lông mũi Cripite qua bưu điện đã gửi phiếu đặt tạp chí này rất nhiều và những người đó cơ bản không biết vì sao tạp chí này lại biết tên tuổi và địa chỉ của họ.

Câu chuyện 3: “Beef-steak Dơ Bẩn” thắng lớn nhờ mới lạ 


Ở Dallas, thành phố lớn nhất bang Texas của Mỹ có tiệm beef-steak rất nổi tiếng, tên là “Beef-steak Dơ Bẩn”. Tiệm beef-steak lấy tên “Dơ Bẩn” làm sao thu hút được khách?

Kỳ thực, ngược lại với sự tưởng tượng của mọi người, việc kinh doanh của tiệm này hết sức thịnh vượng; ông chủ nhờ đó mà phát tài lớn. Nó trở thành thương hiệu thành công được mọi người khen ngợi.

Tiệm beef-steak “Dơ Bẩn” xem ra có vẻ xứng với cái tên. Trong tiệm chỉ thắp bằng đèn dầu, tối mò. Ngẩng đầu nhìn lên, trần nhà đầy bụi bẩn rấy dày (bụi nhân tạo, không rơi xuống); tường xung quanh dán nham nhở vô số mảnh vải và mảnh giấy; ngoài ra còn treo những vật trang trí như cày gỗ, lưỡi cuốc, dây xỏ mũi trâu, mũ bện và tượng điêu khắc bằng gỗ của người Indians.

Bàn ghế trong tiệm đều làm bằng gỗ, chế tạo thô sơ phỏng theo đồ cổ, ngồi lên ghế phát ra tiếng cót két. Đầu bếp và người hầu đều mặc quần áo hình như chưa bao giờ giặt giũ.

Điều khiến người ta chú ý nhất là ở đây có quy định: Khách tới không được đeo cà vạt, nếu không sẽ bị cắt nát. Có một số thực khách hiếu kì hoặc nghi ngờ thắt cà vạt đến, nào ngờ có hai cô gái tươi cười rạng rỡ tiến tới. Một người cầm kéo, một người cầm thanh la, chỉ thấy thanh la vang lên, kéo bập xuống cà vạt của vị khách đã bị cắt đứt một đoạn.

Người quản lý đứng sẵn bên cạnh, đưa cho vị khách bị cắt cà vạt một ly rượu thơm, tỏ ý trấn an và xin lỗi. Ly rượu này không lấy tiền, kỳ thực giá tiền của nó đủ để bồi thường cho chiếc cà vạt bị cắt đứt. Đoạn cà vạt bị cắt cùng với danh thiếp có ký tên của vị khách này sẽ được dán lên tường làm lưu niệm.

Vị khách bị cắt đứt cà vạt bất kể vì hiếu kì hay vì muốn thử hoặc không biết quy tắc ở đây, tuyệt nhiên không vì hành động này mà mất vui, ngược lại cảm thấy rất thú vị. Các mảnh giấy và mảnh vải dán đầy lên tường ở đây là những vật lưu niệm như thế.

Tiệm beef-steak “Dơ Bẩn” tuy lấy dơ bẩn ngụy trang để bài trí, nhưng món beef-steak rất thơm ngon và vệ sinh, khiến người ta ăn không biết chán. Vì vậy nó thu hút rất nhiều thực khách và tiếng tăm truyền khắp bốn phương.

Tiệm beef-steak “Dơ bẩn” vận dụng kế sách “xuất kỳ chế thắng” dùng kế lạ để thắng lợi, thu được thành công về kinh doanh. “Tôn tử thế thiên” chỉ rõ: Phàm việc đánh nhau, lấy chính (để) hợp, lấy kỳ (để) thắng, người giỏi xuất kỳ, vô cùng như trời đất, bất diệt như sông suối”. Ý nói là: Tác chiến với địch đều lấy chính binh đối địch, lấy kỳ binh giành thắng lợi. 

Cho nên tướng soái giỏi sử dụng kỳ binh thì phương pháp tác chiến sẽ biến hóa vô cùng như trời đất, thông chảy không ngừng như dòng suối. Cái gọi là kỳ tức là vượt ngoài sự liệu tính của mọi người, biến ải khôn lường, linh hoạt thông thoáng, người không ta có.

 Người kinh doanh nhà hàng, đa số đều lấy tên ý hay nghĩa tốt, bài trí trang nhã thanh tao để hấp dẫn thực khách, điều này đã thành quy luật mà mọi người thừa nhận. Còn tiệm beef-steak “Dơ Bẩn” thì ngược lại, sử dụng tên tiệm bất nhã và kiểu cách có vẻ như dơ bẩn để kinh doanh. Lúc đầu mọi người cho rằng, người chủ mắc bệnh tâm thần, đoán chắc kinh doanh sẽ thất bại.

 Kỳ thực người chủ này đã đưa ra thiết kế đầy ấn tượng, thu hút sự chú ý và hiếu kỳ của mọi người, ai cũng muốn vào tiệm xem thực hư ra sao. Như vậy mục đích đầu tiên hấp dẫn thực khách đã đạt được.

Câu chuyện 4: Để người tiêu dùng tự lắp đồ gia dụng 


Công ty IKEA của Thụy Điển là một trong những công ty phát triển nhanh nhất của châu Âu, nay đã có hàng trăm cửa hàng trên khắp thế giới, doanh số hàng năm đạt 1,7 tỉ USD. Ngay từ khi mới thành lập vào những năm 40 của thế kỷ XX, cái tên IKEA đã nổi tiếng khắp thế giới.

Người sáng lập công ty có cách làm rất khác người. Đồ gia dụng mà ông kinh doanh không phải là loại thành phẩm mà đều là những cấu kiện để lắp ráp nên sản phẩm. Ông chủ cửa hàng có thể căn cứ vào sơ đồ lắp ráp, sử dụng những hướng dẫn và dụng cụ của cửa hàng để cho khách hàng có thể tự lắp lại thành những đồ đạc mà mình ưa thích.

Do kiểu bán hàng kỳ lạ này, cộng thêm việc hình thành một phong thái mới “tự tay mình làm” của người phương Tây như làm nhà, làm đồ gia dụng, lắp ráp đồ điện máy, nên khách hàng đều thích mua linh kiện hoặc vật liệu về rồi tự mình làm hoặc lắp ráp lấy. Khéo vận dụng tạo ra loại hình này, nên công ty IKEA ngày càng thịnh vượng.

Ngay từ năm 1985, IKEA đã xâm nhập thành công vào thị trường Mỹ. Lúc đó, họ mở một cửa hàng ở ngoại ô Philađenphia. Người Mỹ cũng giống người Âu, không cảm thấy phiền hà khi tự tay mình lắp ráp các thứ, ngược lại còn cảm thấy rất thú vị nữa. Vì vậy cửa hàng đầu tiên tại Mỹ chỉ sau một năm kinh doanh mà doanh thu đã đạt 40 triệu USD.

Bài học kinh doanh: Mọi thương nhân đều muốn bán được nhiều hàng. Họ luôn nghĩ ra cách riêng của mình thu hút khách tới với mình để rồi gặt hái những khoản lợi nhuận khổng lồ từ dòng khách hàng ấy.


Theo huongnghiep.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét