PHÂN TÍCH XU HƯỚNG TIÊU DÙNG NĂM 2012


Theo FTA, năm 2012 có 12 xu hướng tiêu dùng và tôi xin bổ sung thêm một số phân tích hướng đến cho bạn đọc những góc nhìn khác nhau về các xu hướng này.



1. Xu hướng 1: Dư chấn lạm phát với 94% cho rằng sẽ còn tác động vào hành vi tiêu dùng năm 2012.

· Với tình hình chung của kinh tế thế giới và Việt Nam trong năm 2011 và nhìn chung số liệu thống kê cho năm tới đã ảnh hưởng đến tâm lý tiêu dùng Việt Nam.



· Bức tranh kinh tế vĩ mô đã ảnh hưởng không ít đến niềm tin của người tiêu dùng. Theo Nielsen, năm 2010, Việt Nam đứng thứ hai trên thế giới về niềm tin tiêu dùng với số điểm là 119. Năm nay, tụt hơn 20 bậc và điểm số chỉ đạt 97, thấp hơn chỉ số niềm tin trung bình của người châu Á (106). Với tình hình này xu hướng năm 2012 có thể chưa khả quan.

2. Xu hướng 2: Tôi yêu Việt Nam với 71% tin tưởng vào hàng VN chất lượng cao.

· Với chương trình Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt đã góp phần tác động đến hành vi sử dụng hàng Việt Nam của người tiêu dùng trong nước.

· Và một phần không nhỏ góp phần vào xu hướng này là định hướng đầu tư vào chất lượng sản phẩm và xây dựng phát triển thương hiệu của các Doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian qua.

· Qua thời gian các doanh nghiệp trong nước bắt đầu ý thức nhiều cho việc đầu tư cho thương hiệu như: Tân Hiệp Phát, Trung Nguyên, Thái Tuấn, Vinamilk... Đây cũng là yếu tố góp phần gia tăng tuy tín thương hiệu cho Hàng Việt Nam.

3. Xu hướng 3: An toàn là bạn với 84% quan tâm đến an toàn thực phẩm.

· Theo Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), 6 tháng đầu năm 2011, toàn quốc đã xảy ra 53 vụ ngộ độc với 1.776 nạn nhân, trong đó có 9 trường hợp tử vong. Tuy nhiên so với cùng kỳ 2010, số vụ ngộ độc đã giảm 42 vụ, số tử vong giảm 24 người (giảm 70%). Về nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm qua kiểm tra cho thấy do vi sinh vật (17 vụ), do hóa chất (10 vụ), do độc tố tự nhiên (17 vụ)…

· Chính vì các yếu tố này đã làm cho người tiêu dùng Việt Nam ngày càng có xu hướng lựa chọn các sản phẩm phù hợp với các tiêu chuẩn về Vệ sinh an toàn thực phẩm và quan tâm nhiều hơn đến sức khoẻ.

· Đây gần như là xu hướng tất yếu của một xã hội phát triển đi lên hiện đại văn minh, các doanh nghiệp ngoài việc hiệu quả trong kinh doanh cũng cần phải quan tâm đến yếu tố xã hội, yếu tố đáp ứng nhu cầu sức khỏe của người tiêu dùng.

· Càng ngày mức độ tác động đến sức khỏe con người càng bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu của Doanh nghiệp, đặc biệt là trong thời đại công nghệ thông tin như ngày này, chỉ cần ngủ một đêm thức dậy, 1 thương hiệu kinh doanh không nghiêm túc có thể bị tẩy chai hoàn toàn bởi người tiêu dùng.

4. Xu hướng 4: Chất lượng = nguồn gốc + thương hiệu.

· Phần lớn người tiêu dùng nhận biết sản phẩm chất lượng tốt thông qua giới thiệu từ bạn bè/người thân, đặc biệt là người tiêu dùng Đà Nẵng, kế đến là quảng cáo trên TV/radio và tự bản thân tìm hiểu, không có nhiều khác biệt giữa các khu vực.

· Trong nhận thức của người tiêu dùng, nơi bán sản phẩm chất lượng tốt là ở siêu thị, kế đến là Metro. Ngoài ra còn có tiệm tạp hoá vừa/lớn có bảng hiệu, cửa hàng showroom/đại lý chính hãng ,không có nhiều khác biệt giữa các khu vực., xe bán dạo và các điểm bán hàng lề đường được xem là nơi bán sản phẩm chất lượng kém.

· Dấu hiệu để nhận biết kênh phân phối sản phẩm chất lượng tốt bao gồm: nơi được nhiều người biết đến, có nhiều người mua, tiếp theo là cửa hàng lớn/vừa, có bảng hiệu, và cửa hàng/showroom/đại lý chính hãng.

· Người tiêu dùng nói họ mua phải sản phẩm kém chất lượng đa số từ xe bán dạo và bán hàng lề đường, tiếp theo là khu vực bên ngoài chợ.


5. Xu hướng 5: Vai trò của chuyên gia với 80% xem xét mua khi nghe tư vấn từ chuyên gia.

· Xu hướng này một lần nữa xác định yếu tố truyền miệng (Word of mount) tại Việt Nam có ảnh hưởng nhất định đến hành vi mua hàng của người tiêu dùng.

· Hành động truyền miệng của người tiêu dùng khi nhận thông tin sản phẩm kém chất lượng tuy không nhiều, nhưng cũng cần chú ý, đặc biệt là thông tin đến từ báo chí/tạp chí/truyền hình và thông tin từ các chuyên gia.

· Qua đây có thể thấy yếu tố tác động lớn của các mạng xã hội trong hoạt động marketing, xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam. Với một số người có ảnh hưởng nhất định trong cộng động mạng có tác động lớn đến quyết định hành vi tiêu dùng Việt Nam.

6. Xu hướng 6: Nhóm trẻ tiên phong 20-29 với 15 triệu người có quyết định chính (40%) hoặc ảnh hưởng (40%).

· Với thế mạnh dân số trẻ và nằm trong độ tuổi lao động nên Việt Nam đang là thị trường lao động hấp dẫn đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tuy nhiên làm thế nào để phát huy hết được sức mạnh tổng lực của nguồn lực trẻ này.

· Nhóm khách hàng trẻ tuổi sẽ tạo ra một thị trường tiêu thụ với nhiều sản phẩm đa dạng và phong phú. Xây dựng cho Việt Nam trở thành thị trường hấp dẫn, chính điều này đã làm cho tốc độ tăng trưởng của ngành hàng tiêu dùng trong quý I/2011 của Việt Nam lên đến 17,7%, cao nhất so với các nước trong khu vực. Ở đây chúng ta loại trừ khả năng tăng này là do lạm phát chứ không phải do cầu tiêu dùng tăng.

7. Xu hướng 7: Tiêu dùng số với 80% người dân truy cập internet hàng ngày ở thành phố lớn.

· Theo Tổng cục Thống kê, tổng số người sử dụng Internet tại VN tính đến cuối tháng 11-2010 là 27,3 triệu người, chiếm khoảng 31,7% dân số VN. Như vậy sau 13 năm kể từ ngày VN hòa mạng Internet toàn cầu (1-12-1997), lượng người sử dụng Internet trong nước đã tăng rất nhanh.

· Kết quả nghiên cứu cho thấy, email (60%) và messenger (73%) vẫn là phương tiện kết nối trực tuyến phổ biến tại Việt Nam. Đọc tin tức trên mạng là hoạt động trực tuyến phổ biến nhất chiếm 97%, theo sau là việc truy cập vào các cổng thông tin điện tử với tỷ lệ gần 96% người tham gia. Đáng chú ý là số người sử dụng Internet để truy cập vào các trang mạng xã hội đã tăng từ 41% năm 2010 lên 55% năm 2011.

· Theo kết quả trên, sử dụng Internet hàng ngày đã vượt qua radio (23%) và báo giấy (40%) để trở thành phương tiện thông tin được sử dụng phổ biến nhất tại Việt Nam với tỷ lệ (42%). Tỷ lệ truy cập tại gia đình tăng từ 75% năm 2010 lên 88% năm 2011, trong khi đó tỷ lệ truy cập từ Internet café đã giảm từ 42% năm 2010 xuống còn 36% năm 2011. Những gói cước hấp dẫn cùng với sự hiện diện của công nghệ 3G ở Việt Nam đang đẩy mạnh xu hướng truy cập bằng điện thoại di động (30%).

· Những người sử dụng Internet ở độ tuổi từ 15 đến 24 quan tâm chủ yếu đến các nội dung giải trí, đặc biệt là các game trực tuyến (38%), nhạc trong nước (57%), và thể thao (39%). Bên cạnh đó, giới trẻ cũng sử dụng Internet để cập nhật thông tin trên các trang mạng xã hội (52%), xem các đoạn video và hình ảnh thú vị trên mạng (45%).

· Đây là một xu hướng ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động marketing trong năm 2012 và có thể trong những nắm tới, có tác động trực tiếp đến các công tác hoạch định chiến lược marketing, PR của doanh nghiệp Việt Nam.

8. Xu hướng 8: Quyền lực nữ đang xuân với 40% kinh doanh riêng và 90% quyết định chính chi tiêu gia đình.

· Phụ nữ trung niên 30 – 55 tuổi khá năng động, hầu hết có xu hướng vừa đi làm vừa kinh doanh riêng (40%). Thu nhập khoảng trên 20 triệu đồng 1 tháng, những phụ nữ trung niên độc lập về tài chính này chủ yếu thu lợi nhuận từ việc kinh doanh riêng, bên cạnh đó, đầu tư vàng – BĐS cũng là nguồn thu đáng kể. 

· Ngày nay vai trò của phụ nữ trong xã hội Việt Nam đã được khẵng định, xã hội càng phát triển thì các thành viên trong gia đình không có nhiều thời gian trong việc đánh giá và lực chọn trong mua sắm. Chính điều này với đặc tính thiên phú của mình, phụ nữ ngày càng có ảnh hưởng lớn đến quyết định lớn trong chi tiêu của cả gia đình.

9. Xu hướng 9: Vì tương lai con em với chi phí 2 triệu đồng/tháng cho bé.

· Theo báo cáo Tình hình Dân số Thế giới 2010 của Liên Hiệp Quốc, dân số Việt Nam hiện là 89 triệu người và sẽ tăng lên 111,7 triệu người vào năm 2050. Việt Nam hiện đứng thứ 14 trong số những nước đông dân nhất thế giới. Mỗi cặp vợ chồng chỉ nên có 1-2 con, tỷ lệ sinh ở Việt Nam đã giảm mạnh và hiện ở mức sinh thấp 2,11 con/ người mẹ trong độ tuổi sinh đẻ (bằng với mức sinh thay thế).

· Các bà mẹ thường kết hợp mua sắm cho bản thân và gia đình khi mua sắm cho bé, có lẽ vì vậy mà địa điểm mua sắm cho bé chủ yếu là ở chợ và siêu thị, tiếp theo là shop thời trang chuyên bán hàng cho bé.

· Riêng ở HN, shop thời trang dành chuyên cho bé lại được nhiều bà mẹ lựa chọn nhất (82%), trong khi người TP.HCM ít lựa chọn địa điểm này. Tại TP. HCM khi mua đồ cho bé, 23% bà mẹ quan tâm tới thiết kế và màu sắc, tuy nhiên khi được hỏi về yếu tố quan trọng nhất thì chất liệu vải lại được xếp đầu tiên, họ ít quan tâm tới nguồn gốc và thương hiệu. Tại HN, người tiêu dùng có vẻ cẩn thận hơn khi chọn đồ cho bé, họ quan tâm nhiều đến tất cả các yếu tố, đặc biệt là chất liệu vải, 67% những người được hỏi trả lời rằng chất liệu vải là yếu tố họ quan tâm nhất.

· Xã hội phát triển các gia đình có xu hướng không có nhiều con mà chủ yếu tập trung vào việc làm thế nào để chăm sóc và dành mọi điều kiện tốt nhất dành cho con cái.

10. Xu hướng 10: Tiêu dùng xanh với 35% sẽ tạm ngưng ngay lập tức khi sản phẩm ảnh hưởng môi trường.

· Trong năm qua với sự việc của một thương hiệu hàng tiêu dùng bị “tẩy chai” do sản xuất tác động đến môi trường. Đây là lần đầu tiên người tiêu dùng Việt Nam hành động mạnh mẽ yếu tố tác động đến môi trường của doanh nghiệp.

· Những người tiêu dùng tại thành phố Hồ Chí Minh đặc biệt chú ý làm thế nào để sản xuất không ảnh hưởng đến môi trường.Công ty tích cực tham gia các hoạt động xã hội sẽ được người tiêu dùng chú ý và được cân nhắc nhiều hơn khi họ quyết định mua sản phẩm.

· Pháp luật ngày càng nghiêm hơn với hành động tàn phá môi trường, các chương trình “Xanh” ngày càng được chú trọnng và xu hướng “marketing xanh” cũng đang dần thẩm thấu vào định hướng của các công ty Việt Nam. Đơn cử như chương trình “Giờ trái đất” được nhận biết rộng rãi, yêu thích và gần gũi với người dân, do đó đã thu hút được 68% người dân hưởng ứng.

11. Xu hướng 11: Văn hóa vùng miền, Hà Nội ít trung thành, đòi hỏi dịch vụ VIP, Đà Nẵng nhạy cảm về giá, TP.HCMC ít mua hàng ở chợ.

· Những người ở miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long thích mua với số lượng lớn để tiết kiệm. Người tiêu dùng thành phố Hồ Chí Minh không quan tâm nhiều như các thành phố khác trong kế hoạch chi phí hàng tháng của họ. 

· Người miền Bắc sẽ trả thêm tiền cho sản phẩm / dịch vụ đó nếu nó độc đáo và duy nhất.Miền Trung và MiềnBắc thích thương lượng giá

· Người tiêu dùng thành phố Hồ Chí Minh ít mua sản phẩm ăn theo các quảng cáo. Người tiêu dùng tại các thành phố lớn đều thống nhất trong việc tin tưởng vào lời giới thiệu từ bạn bè.

· Quảng cáo hài hước được ưa thích trên toàn thành phố, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh.

· Văn hóa vùng miền vẫn còn ẩn sâu trong tâm trí của người dân Việt Nam, mỗi vùng miền có phong tục tập quán, hành vi sử dụng sản phẩm khác nhau, xu hướng này thấy rõ trong lĩnh vực thời trang giữa 2 miền Nam Bắc và với xu thế chuyên biệt hóa thì việc đưa ra các nhu cầu và sản phẩm theo vùng miền là tất yếu nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khách hàng.

12. Xu hướng 12: Ăn Tết hiện đại trên nền giá trị truyền thống.

· Đối với người tiêu dùng, Tết Nguyên Đán có ý nghĩa là ngày lễ truyền thống, dịp để gia đình quây quần/ sum họp. Không có sự khác biệt đáng kể giữa các khu vực. 

· Riêng người tiêu dùng Hà Nội cho rằng Tết Nguyên Đán là dịp đặc biệt trong năm. Có lẽ do khí hậu của Hà Nội có những chuyển biến giữa các mùa nên cảm nhận Tết là dịp đặc biệt trong năm nổi trội hơn so với TP.HCM & Đà Nẵng. 

· Những hình ảnh mang tính truyền thống “mai vàng/ hoa đào, bánh chưng” được xem là biểu tượng của ngày Tết. Ngoài ra, điểm duy nhất khá khác biệt giữa miền Bắc và Nam là hình “dưa hấu”. Đây là sản phẩm riêng của từng khu vực tạo nên nét đặc trưng và biểu tượng riêng của 2 miền. 

· Người tiêu dùng chủ yếu mua quà biếu cho người thân trong gia đình (cha mẹ, ông bà & họ hàng…), kết quả đồng nhất giữa các khu vực.

· Người tiêu dùng Hà Nội mua quà biếu cho cấp trên nhiều hơn so với Người tiêu dùng TP.HCM và Đà Nẵng. Có lẽ, đây là một trong những thông lệ thường diễn ra vào dịp Tết đối với Hà Nội.

(sưu tầm & biên soạn)
Vũ Văn Hạnh rất vui được chia sẻ cùng Bạn !

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét