CHỌN ĐỐI TÁC...THÔNG MINH

Liên doanh, liên kết trong kinh doanh sẽ mang đến nhiều cơ hội phát triển và thành công cho doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, không dễ lựa chọn được đối tác giúp tối đa hóa giá trị DN, đặc biệt là trong thời điểm khó khăn này.

Đánh nhỏ, thắng nhỏ

Các chuyên gia nhận định, có những DN phát triển rất nhanh nhờ chọn đúng đối tác tham gia trong chuỗi giá trị, nhưng cũng có những DN có tên tuổi trên thị trường lại gặp rất nhiều khó khăn do chọn sai đối tác.



Vì vậy, làm thế nào để chọn đúng đối tác kinh doanh, đối tác tài chính, cổ đông chiến lược để giúp DN vượt qua khó khăn, phát triển nhanh hơn, bền vững hơn luôn là vấn đề khiến nhiều lãnh đạo DN trăn trở.

Phát biểu tại tọa đàm “Lựa chọn đối tác để tối đa hóa giá trị DN” do Saigon Times Club phối hợp với Quỹ Seaf và Công ty Truyền thông Tài Đức tổ chức ngày 1/12, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, trong điều kiện khó khăn như hiện nay, tình hình kinh tế Việt Nam và thế giới ảnh hưởng rất lớn đến việc lựa chọn đối tác của DN.

Hiện khủng hoảng nợ công của một số nước ở châu Âu khiến nhu cầu nhập khẩu của các nước này giảm mạnh, vì vậy, các DN Việt Nam phải tìm đến những thị trường mới. Trong hoàn cảnh này, các DN phải tái cơ cấu hoạt động, chọn lựa sản xuất những sản phẩm phù hợp với thị trường mới.

Theo TS. Doanh, lựa chọn thông minh cho các DN Việt Nam là áp dụng sách lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Đánh nhỏ thắng nhỏ, đánh chắc thắng chắc”. Các DN Việt Nam thường xây dựng chiến lược phát triển tốt, nhưng không có “chiến lược rút lui”, chiến lược giảm thiểu rủi ro...

Thế nên, “Trong điều kiện khó khăn như hiện nay và sẽ còn tồi tệ hơn trong năm 2012, các DN chỉ nên làm nhỏ để chiến thắng, không nên làm lớn để tránh gánh lấy thất bại”, TS. Doanh khuyên.

Ở góc độ nhà tư vấn, ông Đỗ Thanh Năm, Giám đốc Công ty Tư vấn và Hỗ trợ chiến lược Win-Win, cho biết, có hai đối tác quan trọng DN cần lưu tâm, đó là đối tác tài chính và đối tác kinh doanh.


Tùy theo mục tiêu của DN mà chọn đối tác phù hợp. Theo ông Năm, trong điều kiện nền kinh tế ổn định, các DN đều phát triển nên thường chọn các đối tác mang tính chiến lược.

Tuy nhiên, trong tình hình khó khăn như hiện nay, các DN nên chọn đối tác theo tính chiến thuật. Nghĩa là việc lựa chọn đối tác chỉ nên tính trong ngắn hạn để có thể thay đổi, thích nghi theo điều kiện môi trường chung.

Khi chọn lựa đối tác, cần lưu ý các yếu tố: văn hóa DN, sự cộng hưởng về thương hiệu cũng như hệ thống phân phối, nhà phân phối của đối tác...

Thận trọng không bao giờ thừa

Nhiều chuyên gia cho rằng, trong thời điểm khó khăn, sự hợp tác tốt sẽ giúp DN đứng vững và “vượt bão” thành công. GS. Sundar Venkatesh, giảng viên Học viện Kỹ thuật châu Á (AIT), ví lựa chọn đối tác tài chính cũng giống như dựng vợ gả chồng cho con cái. Trong một số trường hợp sẽ có những tiêu chí lựa chọn đúng đắn.

Để chọn được một đối tác tốt, theo GS. Sundar Venkatesh, nên dựa vào bốn tiêu chí: chi phí, sự thuận tiện trong huy động, mức độ kiểm soát và khả năng đóng góp vào sự phát triển của công ty.

Trong tình hình khó khăn, nhiều DN rất cần vốn, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa, nên họ dễ chấp nhận hợp tác với nhiều đối tác khác nhau. Trong lĩnh vực tài chính, để có nguồn vốn nhanh chóng và dễ dàng, DN sẵn sàng ký kết hợp đồng mà ít chú ý đến những điều khoản bất lợi cho mình.

Do điều kiện ít lợi thế nên khi hoàn vốn sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, để an toàn, các DN nên tìm đến các nhà tư vấn tài chính hoặc các công ty luật để không mất lợi thế.

Còn ông Trần Vĩnh An, Giám đốc Tài chính Quỹ Đầu tư Seaf, lại đưa ra lời khuyên cho các DN: nên suy xét thật cặn kẽ xem có nên vay không? Vay trong điều kiện này có thật sự cần thiết hay không? Vay rồi có khả năng trả nợ hay không?...

“DN nên tỉnh táo trước khi quyết định vay vốn hay hợp tác với một đối tác mới”, ông An nói. Nhưng khi đã quyết định hợp tác thì DN cũng nên có những đối sách để thuyết phục nhà đầu tư.

Đã thực hiện 10 dự án mua bán, sáp nhập tại Việt Nam, ông Nguyễn Hoài Nam, Tổng giám đốc Tập đoàn Berjaya Việt Nam, chỉ dẫn chủ DN nên thuyết phục nhà đầu tư không chỉ bằng ý chí, lòng đam mê, nhiệt huyết dành cho công ty, cho dự án, mà còn phải lồng vào đó lòng đam mê, nhiệt huyết của nhà đầu tư. Bên cạnh đó, DN cũng nên có những “biện pháp phòng hộ” khi tình huống xấu xảy ra.

Dù chọn lựa đối tác kinh doanh hay tài chính, DN cũng đều phải thận trọng. “DN nên học theo cách lựa chọn đối tác của các DN Nhật Bản: trước khi quyết định hợp tác với một đối tác nào đó, DN Nhật thường tìm hiểu đối tác này qua 10 đối tác khác và ngay khi tiếp xúc, họ đã tìm hiểu đối tác rất cặn kẽ. Chính nhờ vậy mà những dự án hợp tác của DN Nhật thường thành công đến 85%”, TS. Lê Đăng Doanh cho biết.

Nguồn: Doanh nhân Sài Gòn

Vũ Văn Hạnh rất vui được chia sẻ cùng Bạn !

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét