ĐẦU TƯ VÀO BẢN THÂN, LÀ CÁCH ĐẦU TƯ THÔNG MINH


Mọi người thường đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản hay các dạng tài sản khác. Nhưng sự đầu tư đem lại lợi ích lớn nhất lại chính là đầu tư vào bản thân: Mua những thứ có thể tạo nên sức mạnh và khả năng tinh thần cho bạn.

Bất cứ một doanh nghiệp nào đang ăn nên làm ra cũng hiểu rằng, 5 năm sau doanh nghiệp đó sẽ lớn mạnh đến đâu không phụ thuộc vào những gì sẽ làm 5 năm tới, mà tùy thuộc vào những gì đầu tư từ năm nay. Lợi nhuận chỉ được tạo ra từ một nguồn duy nhất: đầu tư.

Đối với chúng ta, để thu được “lợi nhuận” với mức cao hơn bình thường trong những năm tới, chúng ta phải đầu tư cho chính bản thân mình.

Dưới đây là hai gợi đầu tư hợp lý nhất, mang lại những phần thưởng lớn lao cho bạn trong tương lai:

1. Đầu tư cho việc học hành:

Học hành một cách nghiêm túc là cách đầu tư hiệu quả nhất mà bạn có thể làm cho bản thân. Một số người thường đo trình độ học vấn bằng số năm học ở trường hay số văn bằng, chứng chỉ mà họ kiếm được. 


Nhưng cách tiếp cận thiên về số lượng này không thể giúp bạn trở thành một người thành công. Ralph J. Cordiner, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Tập đoàn General Electric, đã phát biểu quan điểm của những nhà quản trị doanh nghiệp hàng đầu về học vấn: “Hai trong số những vị Chủ tịch sáng giá nhất của công ty chúng tôi, ông Wilson và ông Coffin, chưa bao giờ có cơ hội đi học đại học. 

Có vài giám đốc hiện nay có bằng tiến sĩ, nhưng 20/41 người khác thậm chí còn chưa có tấm bằng cử nhân. Chúng tôi chỉ quan tâm đến năng lực, chứ không quan tâm đến số lượng văn bằng”. Một tấm bằng có thể giúp bạn xin được việc nhưng sẽ không bảo đảm bạn thăng tiến liên tục. “Các doanh nghiệp chỉ quan tâm đến năng lực chứ không phải bằng cấp".

Với một số người, trình độ học vấn là số lượng kiến thức mà một người cất giữ trong đầu. Nhưng kiểu giáo dục nhồi nhét toàn sự kiện đó sẽ không giúp bạn thành công được đâu.

Càng ngày chúng ta càng phụ thuộc nhiều hơn vào sách vở, tài liệu, và máy móc để lưu trữ thông tin. Vậy nếu chúng ta chỉ có thể làm những việc mà một chiếc máy thừa khả năng làm thay, chúng ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Giáo dục theo chiều sâu, đáng để chúng ta đầu tư, đó là cách học giúp nâng cao, khai mở và phát triển trí tuệ của bạn. Sự giáo dục mà một người lĩnh hội sẽ được đánh giá bằng việc tư duy của anh ta phát triển đến đâu, hay nói ngắn gọn là suy nghĩ của anh ta tốt đến đâu.

Bất cứ điều gì giúp nâng cao khả năng suy nghĩ của chúng ta đều là giáo dục. Bạn có thể thu nhận kiến thức bằng nhiều cách. Nhưng cách phổ biến và quen thuộc với nhiều người là theo học tại các trường cao đẳng hoặc đại học. 

Nếu bạn không thể theo học tại trường đại học, sẽ còn có rất nhiều khóa học khác để bạn lựa chọn. Bạn sẽ ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng, học viên tham gia các khóa học này lại là những con người đầy triển vọng, thậm chí vài người trong số họ hiện đang nắm giữ những chức vụ cực kỳ quan trọng. 

Ở một lớp học buổi tối mà tôi tham gia gần đây, trong 20 người tham gia có một người làm chủ của chuỗi mười hai cửa hàng bán lẻ, hai người khác là nhà cung cấp chuỗi thực phẩm có mạng lưới trên toàn nước Mỹ, bốn kỹ sư đã tốt nghiệp, một đại tá không quân và một vài người khác cũng có địa vị xã hội khá quan trọng.

Ngày nay có nhiều người chọn cách tham gia các lớp học buổi tối, nhưng mục đích quan trọng nhất của họ không phải là tấm bằng, đối với họ đó chỉ là một mảnh giấy mà thôi. Họ đi học để nâng cao kiến thức và trí tuệ - cách đầu tư tốt nhất để có được một tương lai tốt đẹp hơn.

Nhưng đừng hiểu nhầm nhé. Đầu tư vào học hành thực sự là một món đầu tư có lời đấy. Bạn chỉ phải dành một buổi tối một tuần để đến trường. Hãy thử so sánh chi phí của món đầu tư này với tổng thu nhập của bạn mà xem, bạn sẽ nhận ra: “Chỉ cần một món đầu tư nhỏ, bạn đã có được cả tương lai”.

Vậy tại sao không quyết định đầu tư ngay bây giờ? Tham gia những khóa học một tối mỗi tuần, suốt đời. Học như thế sẽ giúp bạn luôn phát triển, trẻ trung và linh hoạt. Bạn sẽ không bị lạc hậu trong chuyên môn. Bạn còn có những cơ hội làm quen, tiếp cận với những người có cùng chí hướng.

2. Đầu tư vào những gì giúp bạn khởi tạo ý tưởng:


Học hành sẽ giúp bạn định hình, mở rộng và rèn luyện trí óc để đáp ứng những tình huống mới và giải quyết khó khăn. Những gì giúp bạn khởi tạo ý tưởng cũng nhằm mục đích tương tự: Cung cấp những tư liệu bổ ích để học tập, nghiên cứu.

Để có được nguồn cung cấp những ý tưởng chất lượng cao, ổn định, tại sao không làm thế này nhỉ: Mỗi tháng cố gắng mua ít nhất một cuốn sách thú vị và đặt mua dài hạn hai tờ báo hay tạp chí. Với một số tiền rất nhỏ, trong một khoảng thời gian ngắn nhất, bạn có thể tiếp cận với những suy nghĩ thú vị và hữu ích có sẵn khắp mọi nơi.

Trong một bữa ăn trưa nọ, tôi tình cờ nghe một anh chàng than thở: “Nhưng sách vở tốn nhiều tiền lắm. Tôi còn chẳng có tiền để mua Tuần báo Phố Wall”. Nhưng bạn anh ta, rõ ràng là một người có suy nghĩ của những người thành công, đáp lại: “Ồ, còn tớ thì không thể không mua sách.”

Một lần nữa, hãy học tập từ những người thành công: Đầu tư cho bản thân bạn.

Nào, bây giờ hãy áp dụng những nguyên tắc xây dựng thành công sau đây cho chính bạn nhé:


1. Xác định rõ mục tiêu của bạn. Hãy tưởng tượng hình ảnh của bạn mười năm nữa.

2. Lập kế hoạch trong vòng mười năm tới của bạn. Bạn không thể phó thác cuộc đời bạn cho sự may rủi. Hãy ghi lại những gì bạn muốn đạt được trong công việc, gia đình hay xã hội.

3. Hãy để cho khao khát, đam mê dẫn đường cho bạn. Đặt mục tiêu cụ thể để có thêm năng lượng. Đặt mục tiêu để thực hiện. Đặt mục tiêu và khám phá sự thú vị thực sự của cuộc sống.

4. Hãy để mục tiêu của bạn là “phi công tự động” của bạn. Khi bạn để cho mục tiêu lôi cuốn mình, bạn sẽ tự đưa ra những quyết định đúng đắn để đạt được mục tiêu.

5. Thực hiện mục tiêu tuần tự từng bước một. Hãy xem mỗi nhiệm vụ bạn cần làm, dù có tầm thường đến đâu, đều là một bước tiến đến mục tiêu lớn hơn.

6. Hãy xây dựng mục tiêu cho từng giai đoạn và nỗ lực từng ngày một.

7. Trong trường hợp cần thiết, hãy sẵn sàng đi đường vòng. Đường vòng chỉ đơn giản là một tuyến đường khác, chứ không có nghĩa là bạn từ bỏ mục tiêu.

8. Đầu tư cho chính mình. Đầu tư cho việc học hành. Đầu tư cho những thứ giúp bạn khởi tạo ý tưởng.

Nguồn: vnexperts.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét